TPHCM sẽ đầu tư 150.000 tỉ đồng cho giao thông công cộng

 

Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 TPHCM sẽ đầu tư 151.693 tỉ đồng vào các dự án giao thông công cộng, trong đó vốn ngân sách là 23.417 tỉ đồng, vốn tư nhân 10.564 tỉ đồng và vốn ODA 117.712 tỉ đồng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường, để giao thông công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt, taxi) đảm nhận được từ 20 - 25% lượng vận tải hành khách vào năm 2020 như quy hoạch, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư để hoàn thành một số dự án và công trình cụ thể như sau:

Ưu tiên đầu tư tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để đưa vào khai thác năm 2019, đẩy nhanh tiến độ của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (cầu Sài Gòn - Cần Giuộc), hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến xe buýt nhanh BRT trên trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ vào năm 2018, khai thác hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (Bạch Đằng - Linh Đông; Bạch Đằng - Lò Gốm) vào năm 2016.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các bến xe buýt, phát triển hạ tầng - bố trí làn đường dành riêng cho vận tải hành khách công cộng trên toàn địa bàn.

Cụ thể, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo các bến bãi hiện có (bến xe quận 8, Chợ Lớn, Tân Phú và An sương) để giải quyết nhu cầu đậu đỗ cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng; đồng thời đầu tư xây dựng hoàn chỉnh bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây mới cùng các bến xe buýt Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Xa lộ Hà Nội, Tân Thuận Đông… Theo đó, đến năm 2020, tổng số lượng xe buýt hoạt động sẽ là gần 4.000 xe, tăng hơn 1.150 xe so với hiện tại (41%).

Và, khi tất cả các dự án trên hoàn thành đúng hạn thì vào năm 2020 vận tải hành khách công cộng sẽ vận chuyển được khoảng hai triệu lượt hành khách mỗi ngày; trong đó xe buýt thường đạt khoảng 1,135 triệu lượt, xe buýt BRT đạt khoảng 28,3 nghìn lượt, taxi và các loại hình khác đạt hơn 800 nghìn lượt.

Nhưng để đảm bảo nguồn lực đầu tư và phát triển giao thông công cộng, theo ông Bùi Xuân Cường, Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị thành phố bố trí toàn bộ kinh phí (hoặc một phần) để chi trả cho việc giải phóng mặt bằng đối với một số dự án do doanh nghiệp thực hiện nhưng có chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn nhiều so với chi phí xây dựng công trình.

(TBKTSG Online)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.