Giới thiệu

Máy nén khí và hệ thống máy nén khí đóng một vai trò rất quan trọng trong các ngành công nghiệp. Phạm vi ứng dụng của chúng rất rộng, chúng xuất hiện trong việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Các nhà máy lọc dầu, nhà máy chế biến khí tự nhiên, hóa dầu và các nhà máy hóa chất sử dụng các máy này cho việc nén khí ở những công đoạn cuối cùng.

Máy nén khí cũng đóng vai trò di chuyển, trao đổi nhiệt trong chu kỳ làm lạnh trong các hệ thống làm mát và điều hòa không khí, hệ thống HVAC.

Máy nén khí dùng để nén khí tới một giá trị nhất định lớn hơn áp suất khí quyển. Những ứng dụng chính là: tạo ra khí nén để làm thông đường ống trong hệ thống nước thải, vận chuyển hàng hóa sử dụng, điều khiển máy chế tạo công nghiệp,…

Vấn đề

Máy nén khí thường yêu cầu sử dụng điện năng rất lớn, chính vì vậy việc tiết kiệm điện là một bài toán rất quan trọng trong quá trình vận hành loại máy này. Bên cạnh đó, máy nén khí cũng cần tính ổn định, độ bền cơ học cao vì việc sửa chữa và bảo trì tương đối tốn kém và tiêu tốn thời gian.

Máy nén khí ở Việt Nam thông thường được thiết kế dư tải so với công suất sử dụng thực của nhà máy do vậy khi đủ áp trong bình khí thì hơi được xả ra bên ngoài, trong khi động cơ vẫn chạy 100% tải dẫn tới hao phí điện năng. Nếu ta gắn thêm biến tần thì biến tần điều chỉnh giảm tốc độ quay của động cơ theo áp suất khí cài đặt để tiết kiệm điện cho máy nén khí.

Ưu điểm khi sử dụng máy nén khí tích hợp biến tần

Với máy nén khí sử dụng biến tần, người dùng có thể tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ lên tới hơn 30%, giữ ổn định áp suất độc lập với lưu lượng tiêu thụ khí, nâng cao chất lượng điều khiển quá trình, lợi nhuận thu được do bộ VSD tạo ra có thể hoàn lại chi phí đầu tư chỉ trong vòng 1 năm hoặc thậm chí ít hơn.

Máy nén khí lắp biến tần sẽ vận hành êm hơn, giảm dòng khởi động, giảm mức điện năng tiêu thụ tại chế độ không tải của máy bơm khí nén bằng việc giảm tốc độ vòng quay xuống mức thấp nhất trong khi vẫn đảm bảo dầu được lưu thông tới các vị trí bôi trơn cần thiết như trục vít,…cũng như làm mát.

Khi tích hợp bộ VSD, tốc độ quay động cơ được điều chỉnh, thông qua đó điều chỉnh lưu lượng khí. Mối liên quan giữa áp suất và lưu lượng máy sẽ ổn định mức áp suất theo tải tiêu thụ.

Nhược điểm của máy nén khí sử dụng biến tần

Máy nén khí dùng biến tần ít hoặc không có khả năng thích ứng trong môi trường nhiệt độ cao, có nước trong khoang máy. Trước điều kiện vận hành trong khoang máy nén khí, các phần tử điện tử công suất trở nên yếu đuối hơn.

Bộ VSD có công nghệ phức tạp do đó khi lắp đặt cho máy nén khí trục vít thì nó cũng tạo nên sự phức tạp, khả năng hư hỏng cao hơn máy bơm khí nén thông thường. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, lượng thợ có trình độ chuyên môn cao để sửa chữa biến tần không nhiều, nên khi cần sửa chữa biến tần cũng khá khó khăn.

Chi phí đầu tư cho biến tần cao, hiệu quả thu hồi vốn nhiều hay ít, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào đặc tính tải tiêu thụ và số lượng máy bơm khí nén.

Giải quyết

Dựa trên những phân tích cũng như những vấn đề nêu trên, việc lắp đặt biến tần cho máy nén khí là hoàn toàn hợp lý. Vậy thì, cách giải quyết như thế nào?

- Phương pháp điều khiển PID

Với phương pháp này sẽ có 1 cảm biến áp suất đăt tại bình chứa, khi áp suất trong bình giảm thì biến tần tự động tăng tốc độ để đủ áp suất cài đặt, khi áp suất đủ thì biến tần tự động điều chỉnh giảm tốc độ của động cơ để tiết kiệm điện.

- Phương pháp chạy đa cấp tốc độ dựa theo tín hiệu Load/Unload từ Relay áp suất có sẵn trong hệ thống

Cách này thì biến tần theo 2 cấp tốc độ, chạy theo tín hiệu Load (có tải) với tần số lớn nhất cài đặt trên biến tần (50 Hz), và Unload (Không tải) chạy tần số nhỏ nhất (Tần số nền) cài đặt trên biến tần hay gọi là tần số ngủ.

Cần làm

Liên hệ với kỹ thuật của Apier để có những bước khảo sát và tính toán cụ thể nhằm quyết định lắp đặt hay không lắp đặt biến tần cho máy nén khí.