Thách thức với đô thị biển

 

Sự kiện 4 tỉnh ven biển miền Trung bị nhà máy công nghiệp Formosa xả thải làm ô nhiễm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành du lịch biển thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc phát triển các cơ sở kinh tế, đô thị ven biển Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các khu phức hợp nhà hàng - khách sạn mọc nên như nấm ven biển đã khiến nhiều khu đô thị du lịch biển của Việt Nam biến dạng, phá vỡ cảnh quan, kém sức hấp dẫn.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tài nguyên du lịch biển không chỉ là yếu tố góp phần quan trọng nhất trong việc tạo ra bản sắc đặc trưng cho đô thị du lịch biển mà hơn hết nó là yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc hình thành một đô thị du lịch (hay nói một cách khác, nó chính là yếu tố tạo thị).

Nếu nhận thức được rằng: Không có sự hấp dẫn về tài nguyên, sẽ không có hoạt động du lịch và nguồn thu từ dịch vụ du lịch thì mới hiểu được hết vai trò của tài nguyên và việc giữ gìn và bảo vệ giá trị của tài nguyên chính là bảo vệ sự “sống còn” của đô thị du lịch.

Với vai trò là hạt nhân của sự phát triển, tài nguyên du lịch là yếu tố quyết định qui mô và phương thức của các hoạt động du lịch, phạm vi không gian hoạt động của nó cũng như các không gian chức năng hoạt động khác trong đô thị để đảm bảo một cấu trúc đô thị tổng thể hài hòa và bền vững.

Bài toán cân bằng và hài hòa sẽ dễ tìm được lời giải hơn đối với các không gian đô thị quy mô nhỏ, có chức năng thuần khiết là du lịch như: Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò... Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết các đô thị có tiềm năng du lịch biển ở quy mô quốc gia, cũng là nơi tập trung nhiều thế mạnh tiềm năng khác như: Cảng biển, hải sản, vật liệu xây dựng hay dầu khí...

Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu... là những đô thị điển hình cho sự giàu có đó. Quá nhiều thế mạnh trong một đô thị ven biển thường là tiền đề cho một chiến lược phát triển đô thị đa chức năng với một “rừng mũi nhọn”...

Việc xác định chiến lược đô thị với một “rừng mũi nhọn” như vậy đã đưa các đô thị du lịch biển tới những thách thức lớn như: Sự suy giảm về chất lượng tài nguyên và môi trường do tranh chấp không gian sử dụng giữa các ngành kinh tế. Sự thiếu thốn bản sắc trong kiến trúc cảnh quan do không xác định được mảng màu chủ đạo cho bức tranh đô thị… Và, vì thế chất lượng sống của người dân đô thị cũng như khách du lịch sẽ bị đe doạ trầm trọng.

Nhìn lại bức tranh phát triển của một số đô thị du lịch biển ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những thách thức của các đô thị du lịch biển trên con đường phát triển bền vững.

Với những bài học đã trải qua, nếu được nhìn nhận một cách khách quan và phân tích nguyên nhân một cách thấu đáo, các nhà quản lý và hoạch định đô thị sẽ có những chiến lược và giải pháp đồng bộ và hiệu quả để giải quyết một cách chủ động và triệt để những thách thức cũ và mới trong quá trình phát triển đô thị du lịch biển bền vững.

(baoxaydung.com.vn)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.