TP.HCM khởi công dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng

 

Ngày 21.4, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công - tư PPP (hợp đồng BT - xây dựng - chuyển giao) cho Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam.

Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM; chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị (Quy hoạch 752); tổng vốn đầu tư dự án gần 9.927 tỉ đồng.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định); xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48 m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 36 m3/giây. Tàu thuyền được đảm bảo qua lại bình thường thông qua âu thuyền của các cống sau khi dự án đi vào hoạt động; đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh - giai đoạn 1 bao gồm 7,801 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 25 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; nhà quản lý trung tâm toàn dự án và hệ thống SCADA.

Địa điểm xây dựng các hạng mục của công trình thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong tháng 5.2016 và hoàn thành sau 36 tháng thực hiện.

Cũng vào ngày 21.4, Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM (Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) phối hợp với Trung tâm SMART Infrastructure Facility (ĐH Wollongong - Úc) tổ chức hội nghị giới thiệu dự án “Nghiên cứu về chống ngập ở đô thị - SMART”. Dự án được phát triển với mục tiêu quản lý thông tin về ngập ở đô thị, từ đó cung cấp cho người sử dụng điều chuyển hướng giao thông cho phù hợp nhằm tránh tình trạng kẹt xe và các hệ quả khác do ngập nước.

Dự án sẽ khai thác, xử lý thông tin và vị trí địa lý từ thông tin trên mạng xã hội của những người tham gia giao thông và người dân trong khu vực ngập. Bên cạnh nguồn thông tin chính này còn kết hợp với một số nguồn thông tin khác như từ tin nhắn điện thoại của người tham gia, các cơ sở thông tin dữ liệu hiện có tại địa phương. Dự kiến dự án sẽ được triển khai thử nghiệm tại TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2017.

(Thanh Niên)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.