JICA đề xuất giải pháp chống ngập cho Biên Hòa

 

Vừa qua, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về một số vấn đề kỹ thuật của Dự án thoát nước và xử lý nước thải tại thành phố Biên Hòa, trước khi ký kết hỗ trợ vốn ODA để thực hiện.

Theo một quan chức của Sở Xây dựng Đồng Nai, phía JICA yêu cầu đường ống dẫn nước thải phải đặt xa bờ kè để tránh sự cố có thể xảy ra trong quá trình sử dụng; bờ kè phải thi công trước tuyến cống để đảm bảo về kỹ thuật; khi thi công các tuyến cống bằng kích ngầm trên một tuyến cần đưa vào chung một gói thầu để dễ quản lý về kỹ thuật…

Trước đó, JICA cũng đã đề xuất đặt hệ thống cống thoát nước dọc các tuyến đường hiện hữu theo phương án từ trạm bơm số 1 theo các đường Hà Huy Giáp, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận đến Nhà máy xử lý nước thải số 2, với chiều dài khoảng 6,5km. Việc đặt tuyến cống như trên phải áp dụng biện pháp thi công khoan kích ngầm và bổ sung thêm một trạm bơm nước thải…

Được biết, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh khẩn trương rà soát lại quy hoạch hệ thống thoát nước của thành phố Biên Hòa theo hướng đề xuất của JICA. Vì theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nếu chậm trễ có thể sẽ không vay được nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Thực tế, đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Biên Hòa cần số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng, nên nếu không vay được nguồn vốn ODA, ngân sách rất khó đủ khả năng thực hiện. Dự kiến, nếu vay được vốn, Đồng Nai sẽ triển khai làm ngay bờ kè và tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công tuyến cống.

Hiện nay, ngập lụt đô thị đã trở thành căn bệnh trầm kha của Thành phố Biên Hòa. Thống kê của Phòng quản lý đô thị Thành phố Biên Hòa cho thấy, hiện thành phố có khoảng 17 điểm ngập do nước không thoát kịp khi mưa. Các tuyến đường thường xuyên bị ngập là Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận, Quốc lộ 5 (khu vực phường Long Bình Tân)…

Thành phố Biên Hòa đang trông chờ vào dự án thoát nước và xử lý nước thải này. Dự án này dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA (khoảng 8.400 tỉ đồng) vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

(TBKTSG Online)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.