Sáng 7/3, Bộ GT-VT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đảm bảo trật tự, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tham dự Hội nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, vận tải hành khách công cộng vẫn ở mực thấp, mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, phương tiện cá nhân tăng nhanh, ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt. Công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa được kiên quyết…
Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GT-VT đầu tư các hạng mục trọng điểm thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung, với 65 dự án, kinh phí thực hiện hơn 400.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, phía Bộ GT-VT đầu tư hai cầu bắc qua sông Hồng là cầu Việt Trì-Ba Vì và cầu Mễ Sở; UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng 5 cầu qua sông Hồng và 2 cầu qua sông Đuống.
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất với Bộ GT-VT phối hợp với thành phố thuê tư vấn có năng lực, kinh nghiệm lập quy hoạch chi tiết về vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy nội địa, quy hoạch kết nối vận tải đa phương thức… tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị đang thi công, nhất là tuyến Cát Linh- Hà Đông.
Cũng tại Hội nghị này, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ ra một loạt những yếu kém, hạn chế còn tồn tại trong hệ thống giao thông thủ đô.
Theo ông Hải, hạ tầng giao thông của Hà Nội nói riêng và vùng thủ đô nói chung còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển.
“Hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động. Báo động vì từng người dân ra đường đã thấy vô cùng khó khăn trong tham gia giao thông” - ông Hải nói.
Bí thư Hà Nội dẫn chứng, trên địa bàn thủ đô hiện có 5,3 triệu xe máy, 560 nghìn ô tô, 10 nghìn xe đạp điện. Tốc độ tăng ô tô hàng năm khoảng 17%, xe máy 11%, như vậy gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng GDP trên địa bàn.
"Điều đó gây sức ép rất lớn về hạ tầng. Chúng ta thường nói khi mà tốc độ tăng GDP lên cỡ 7-8% là tăng trưởng nóng, còn tăng trưởng giao thông như thế này chắc phải gọi là tăng trưởng... nước sôi”, ông Hải ví von.
Thùy Dung (Tổng hợp)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.