Giao thông đô thị bền vững nhìn từ Thụy Điển

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển Erik Bromander cho rằng, nguyên tắc của quy hoạch đô thị là phải tính đến nhu cầu vận tải hành khách công cộng. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển Erik Bromander tại Hội thảo Giao thông đô thị bền vững  - Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển diễn ra chiều 26/11, tại TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo nhằm phân tích hiện trạng giao thông công cộng của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng; đồng thời nêu ra những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt để tạo ra hệ thống giao thông công cộng thân thiện môi trường, phát triển bền vững.

Theo nhiều chuyên gia, hiện Việt Nam có hơn 33% trong số trên 90 triệu dân sống ở các thành phố hoặc khu vực đô thị. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 50% vào năm 2025, đây là áp lực lớn, đòi hỏi phải có các giải pháp giao thông công cộng mới, sáng tạo cho các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng việc phát triển hệ thống giao thông công cộng cũng đang đặt ra yêu cầu về giảm ô nhiễm, giảm số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông.

Giới thiệu về tình hình phát triển giao thông công cộng trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Minh cho biết, hiện thành phố có 138 tuyến xe buýt, trong đó có 105 tuyến trợ giá, ngoài ra còn có 57 tuyến đưa đón công nhân với tổng số 2.788 xe.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh có 10.780 xe taxi đang hoạt động trên địa bàn. Năm 2014, vận tải hành khách công cộng của TP Hồ Chí Minh đạt 593 triệu lượt, dự kiến năm 2015 đạt 590 triệu lượt.

Ông Lê Hoàng Minh cho biết thêm, theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, thành phố sẽ có 8 tuyến metro, 3 tuyến đường sắt trên cao, 6 tuyến xe buýt nhanh để kết nối với hơn 200 tuyến xe buýt truyền thống. Trong số này, tuyến metro số 1, số 2 và tuyến xe buýt nhanh số 1 đang được khẩn trương triển khai.

Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển Erik Bromander cho rằng, nguyên tắc của quy hoạch đô thị là phải tính đến nhu cầu vận tải hành khách công cộng, nếu không sẽ xảy ra tình trạng quá tải về hạ tầng, gây tắc nghẽn giao thông. Nói cách khác, muốn giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông bắt buộc phải tính đến việc phát triển hệ thống đường sá, và cả sự phát triển hệ thống xe buýt và các tuyến metro.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển, nước này đã phải áp dụng chính sách hạn chế xe cá nhân, thực hiện thu phí phương tiện đi vào những tuyến đường kẹt xe vào giờ cao điểm, xây dựng làn đường riêng cho xe buýt...

Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh không gây ô nhiễm môi trường; tích hợp hệ thống giao thông với internet trên tàu hỏa và xe buýt để tạo sự thuận tiện cho người dân tham gia, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành thông qua hệ thống camera giám sát.

Tại Hội thảo lần này, đại diện Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển chia sẻ rất ấn tượng với những giải pháp giao thông của TP Hồ Chí Minh hiện nay. Nhân cơ hội này, Thụy Điển có những đóng góp các giải pháp về giao thông đô thị bền vững, và cũng là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông chia sẻ những giải pháp và tìm kiếm cơ hội đầu tư về giao thông đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

(Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.