Cải tạo cửa Lạch Giang kết nối giao thông thủy phía Bắc

 

Ngày 22-11, tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã khánh thành luồng qua cửa Lạch Giang thuộc dự án phát triển giao thông khu vực đồng bằng Bắc Bộ (WB6). Cửa Lạch Giang là cụm công trình lớn nhất của dự án WB6 do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với tổng giá trị 1.600 tỉ đồng.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, cụm công trình cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, Nam Định) thuộc Dự án phát triển giao thông đồng bằng Bắc bộ (WB6). Đây là hạng mục lớn nhất của dự án WB6, gồm tám hợp đồng xây dựng với tổng giá trị 1.600 tỉ đồng.

Cửa Lạch Giang được coi là cửa ngõ nối giữa sông và biển, sau khi hoàn thành cải tạo sẽ giúp cho các tàu pha sông biển từ 1000-3000 tấn có thể đi sâu vào đất liền để chở hàng, giúp giảm chi phí vận chuyển, giảm áp lực cho đường bộ.

Dự án WB6 được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 200 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 170 triệu đô la Mỹ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 30 triệu đô la Mỹ.

Dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là tuyến hành lang đường thủy số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh qua sông Đuống) là hành lang đường thủy trọng yếu của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, với kinh phí đầu tư khoảng 60 triệu đô la Mỹ. Giai đoạn này đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ thúc đẩy phát triển vận tải thủy giữa các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Việt Trì, giúp cho các tàu, đặc biệt là tàu container, có thể vào sâu trong đất liền để chở hàng.

Giai đoạn 2 cải tạo hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Lạch Giang), xây dựng kè chắn, kè bảo vệ bờ, lắp đặt phao tiêu báo hiệu toàn tuyến và đầu tư cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang với giá trị xây lắp là 110 triệu đô la Mỹ.

Theo Bộ GTVT, vận tải thủy có suất đầu tư thấp, cước vận chuyển rẻ. Tuy nhiên, đường thủy vẫn chưa được chú trọng đầu tư do trong nhiều năm qua các nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung cho các dự án đường bộ.

Chính vì vậy, để phát triển vận tải bền vững, các phương thức vận tải phải cân bằng, và bộ này đã chú trọng đến việc phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven bờ biển. Trong năm 2014, một loạt các tuyến vận tải ven biển đã được mở và giảm tải đáng kể cho đường bộ.

(TBKTSG Online)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.