Vì đâu giá nhân công Việt Nam quá bèo?

Nhiều thành tựu trong đổi mới nhưng giá nhân công quá rẻ

Trong bài tham luận “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và triển vọng” tại Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cho biết Việt Nam đã có những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần phải cải thiện gấp nếu không sẽ bị bỏ quá xa so với các nước trong khu vực.

Trong 32 năm qua đã có nhiều động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam, đó là liên tục cải cách và đổi mới thể chế; Chính trị - xã hội ổn định; Lực lượng lao động dồi dào; Lao động có tay nghề ngày càng tăng; Giá nhân công rẻ; Kim ngạch xuất khẩu cao; Đóng góp của khu vực FDI ngày càng tăng.

Kể từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã trải qua 13 cột mốc cải cách thể chế quan trọng: năm 1999 ban hành luật doanh nghiệp, năm 2000 ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, năm 2006 gia nhập WTO, năm 2008 trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, năm 2015 hoàn thành ký kết FTA với châu Âu, năm 2018 trở thành thành viên của CPTTP…

Việt Nam là một nước có nền chính trị và xã hội ổn định, sự phân công nhiệm vụ của các cấp chính quyền ngày càng rõ ràng hơn, môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước ngày càng minh bạch và hiệu quả hơn khi có chương trình bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm từ Quốc hội kể từ năm 2013.

Hiện Việt Nam là đối tác chiến lược của hơn 15 quốc gia như Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Ý, Hàn Quốc cũng như là đối tác toàn diện của 10 quốc gia khác giống Úc, Mỹ, Ukraine, Đan Mạch…

Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn lao động trẻ, dồi dào, được gọi là "dân số vàng" và được cho là lợi thế hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong 30 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 01 triệu lao động mới và tiếp tục duy trì đến năm 2035.

Năm 2017, dân số Việt Nam là 93,7 triệu người, năm 2020 là 96,5 triệu người và đến năm 2035 tăng lên 110 triệu người. Lực lượng dân số trong độ tuổi lao động luôn chiếm 50-65%.

Trình độ lao động được đào tạo ngày càng tăng. Nếu như năm 1996 tỷ lệ lao động được đào tạo chỉ chiếm 12%, đến năm 2017 đã tăng lên 50%, tương ứng 27,7 triệu người, tỷ lệ này tiếp tục sẽ tăng lên vào năm 2020 là 70% để đáp ứng nguồn lực cho ngành công nghệ cao.

Dù chất lượng nguồn nhân lực ngày càng tốt hơn nhưng giá nhân công lại rất thấp. Năm 2012, giá lao động bình quân mỗi giờ tại Việt Nam chỉ có 01 USD/giờ, thấp hơn cả Philippine là 2,1 USD/giờ, Trung Quốc là 2,5 USD/giờ, Đài Loan là 9,5 USD/giờ, kém xa Hàn Quốc là 20 USD/giờ, Singapore là 24 USD/giờ, Mỹ là 35 USD/giờ.

Chi phí nhân công của Việt Nam so với một số quốc gia khác.

Từ năm 2013 - 2020, mỗi năm các trường đại học và cao đẳng cung cấp cho thị trường lao động 400.000 – 500.000 cử nhân, điều này mới chỉ giải quyết được 14% lao động có trình độ đại học, cao đẳng.

Một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ đã thúc đẩy sản xuất trong nước. Quy mô tăng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 39 lần trong 22 năm, từ mức 5,4 tỷ USD năm 1995 lên mức 214 tỷ USD năm 2017.

Có thể thấy qua các mốc quan trọng khi Việt Nam nối lại quan hệ bình thường với Mỹ, xuất khẩu tăng mạnh mẽ từ mức 20 tỷ USD năm 2003 lên mức 48,6 tỷ USD năm 2007.

Năm 2007 cũng đánh dấu mốc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), mở rộng quan hệ chiến lược từ 3 nước lên 25 nước, đẩy xuất khẩu tăng vọt từ 48,6 tỷ USD năm 2007 lên 214 tỷ USD năm 2017.

Trong 214 tỷ USD xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất là sản phẩm công nghiệp như: điện thoại, linh kiện, máy công cụ, may mặc, da giày… đạt 153 tỷ USD (chiếm 71,5%). Tiếp đến là sản phẩm nông nghiệp như: cà phê, gạo, hạt điều, tiêu… đạt 23,4 tỷ USD (chiếm 11%).

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu khiến Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 là 400 tỷ USD, gần gấp đôi GDP là 216 tỷ USD.

Cơ cấu xuất khẩu cũng dần thay đổi. Nếu 20 năm trước, Việt Nam là nước chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp chiếm trên 42% và khoáng sản, đến năm 2016, những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam là sản phẩm công nghiệp chiếm gần 80%, xuất khẩu tài nguyên khoáng sản như dầu và than chỉ còn 2,2%, sản phẩm nông nghiệp giảm còn 17,8%. Kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau và trái cây làm mặt hàng chủ lực.

Tuy nhiên, đóng góp vào xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm dần từ mức chiếm trên 90% thời điểm 20 năm trước thì năm 2016 giảm còn 30%, đổi lại doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu tới 70%.

Trong 30 năm từ 1988 – 2017, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đăng ký tăng đột biến vào năm 2008 tới 71,7 tỷ USD và năm 2017 cũng lên tới 35,9 tỷ USD.

Tỷ lệ giải ngân vốn FDI giai đoạn 1995 – 2005 trung bình đạt 3 tỷ USD/năm. Những năm tiếp theo 2008 – 2015 tăng lên 11,5 tỷ USD/năm và trong 02 năm gần đây 2016 – 2017 tăng lên 16,5 tỷ USD giải ngân/năm (chiếm tỷ lệ 50-60% vốn FDI đăng ký).

Luỹ kế tổng vốn đầu tư FDI đối với các dự án vẫn hoạt động đến 31/12/2017 khoảng 318 tỷ USD. Trong đó, đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm 58,4%; thứ hai là gas – khí đốt chiếm 6,5%; thứ ba là bất động sản chiếm 16,7%; thứ tư là xây dựng 3,8%; tiếp đến là các lĩnh vực khác: lưu trú và dịch vụ ăn uống chiếm 3,4%, thương mại bán buôn bán lẻ 1,9%, thông tin truyền thông 1,5%, giao thông và logistics 1,1%, nông lâm nghiệp 1%...

Công nghệ sản xuất của doanh nghiệp quá lạc hậu

Đề cập đến ba điểm yếu, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu không kịp thời sửa chữa Việt Nam sẽ bị các nước trong khu vực bỏ xa.

Thứ nhất, năng suất lao động của người Việt quá thấp, kém Singapore tới 15 lần, kém Nhật Bản 11 lần, kém Malaysia 05 lần và kém Thái Lan 2,5 lần.

Nguyên nhân chính là công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp đã quá lạc hậu vì không chịu đầu tư khi có tới gần 60% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lỗi thời, 28% sử dụng công nghệ trung bình, 10% trên trung bình và chỉ có 2% doanh nghiệp công nghệ tiên tiến. Do đó, sản phẩm của các doanh nghiệp có giá trị thấp.

Chuỗi sản xuất

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không biết tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm khi nhiều doanh nghiệp chỉ dừng lại ở chuỗi thứ 3 là sản xuất sản phẩm (production) trong chuỗi sản xuất kinh doanh. Không chú tâm đến chuỗi thứ 4 rất quan trọng là phân phối sản phẩm (distribution), do đó phụ thuộc vào kênh phân phối của người khác, không dành tâm sức cho thương hiệu, marketing nên chuỗi giá trị bị méo mó.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng vừa thiếu, yếu. Theo tiêu chuẩn thế giới thì cứ mỗi 1km2 dân cư phải có 10km hạ tầng gồm đường – trường – trạm. Năm 2005 tại TP.HCM con số này là 1,45km hạ tầng cho 01km2 dân cư, đến năm 2017 cũng chỉ tăng lên được 2km hạ tầng trên 01km2 dân cư.

Hiện tại không có đủ tiền để xây đường tại TP.HCM, với tăng trưởng nhỏ giọt trong 13 năm qua, phải đến 150 năm nữa TP.HCM mới có hệ thống cơ sở hạ tầng đạt chuẩn thế giới.

Thứ ba, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến các tỉnh duyên hải.

Do đó, những định hướng phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới, đó là, phát triển giao thông trở thành nền tảng hỗ trợ phát triển ngành kinh tế khác; Tái cấu trúc ngành năng lượng, trước hết tập trung vào điện nhiệt; Phát triển viễn thông hiện đại nhất (sắp tới TP.HCM đi đầu trong việc ký kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển 5G và điện thoại di động thế hệ thứ 5 sẽ được thử nghiệm vào năm 2019); Nâng cấp hệ thống nước thải, rác thải; Tăng năng suất lao động thông qua công nghệ và hiện đại hoá quản lý ở cấp doanh nghiệp; Tăng năng suất thông qua hỗ trợ các hệ thống tài chính và ngân hàng.

Theo Lan Anh

BizLive

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.