Ngành nhựa, cao su: Sẽ thêm nhiều đơn hàng

Với mức tăng trưởng bình quân từ 12 - 15% mỗi năm, chiếm tỷ trọng GDP khoảng 6,7%... ngành công nghiệp nhựa và cao su của Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khai thác thị trường.

Cơ hội lớn

Hơn một thập kỷ qua, ngành sản xuất chất dẻo tại khu vực phía Bắc đã khẳng định vị trí quan trọng trong nền công nghiệp Việt Nam. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn với mức tăng trưởng bình quân 12 - 15% mỗi năm.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện đã xuất khẩu sản phẩm nhựa đến 150 quốc gia trên thế giới. 8 tháng năm 2019, tổng sản lượng nhựa xuất khẩu Việt Nam đạt 2.528 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 9/2019, sản phẩm nhựa xuất khẩu đạt 280 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhận định của chuyên gia, việc Việt Nam ký kết được các Hiệp định Thương mại tự do đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nhựa bao bì. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ; thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu được hưởng nhiều ưu đãi.

Tương tự như ngành nhựa, ngành cao su Việt Nam cũng phát triển theo hướng bền vững và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Năm 2018, cao su thiên nhiên là mặt hàng nông sản lớn thứ 5 về giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều sản phẩm cao su của Việt Nam như lốp xe, linh kiện, cao su kỹ thuật, đế giày, găng tay và các dụng cụ thể thao cao su, sản phẩm y tế… được xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Malaysia, Bỉ, Đức, Brazil, Nhật Bản, Thái Lan…

Tìm hướng phát triển bền vững

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với "ô nhiễm trắng" khi lượng tiêu thụ nhựa xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN và thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên tại Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế về công nghệ, nguyên phụ liệu và Thiết bị, máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam, từ ngày 27 – 29/11/2019. Với sự góp mặt của 200 doanh nghiệp nhựa và cao su đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, triển lãm là cơ hội để các nhà sản xuất và chế biến nhựa cao su quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh thương hiệu, thiết lập các mối quan hệ đối tác cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới tại thị trường Việt Nam và trên toàn khu vực.

Ông Huỳnh Hữu Hải Bình - Giám đốc điều hành Revival Waste - một trong những đơn vị tham gia triển lãm - cho biết, ngành nhựa và cao su cần có một bước tiến mới trong việc cải tiến công nghệ và phương pháp sản xuất, đảm bảo sản phẩm từ nhựa có thể tối ưu hóa khả năng tái chế cũng kích thích việc sử dụng nhựa tái chế.

Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa và cao su. Thông qua triển lãm, các nhà triển lãm nước ngoài có cơ hội tiếp cận với những doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước để cung cấp máy móc, thiết bị hoặc tìm nhà phân phối tại Việt Nam.

(congthuong.vn)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.