Ngành thép: Dấu hiệu giảm tốc?

Năm 2019 được nhận định là thời điểm ngành thép xuất hiện sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp (DN), theo đó cơ hội cũng như thách thức có thể sẽ xuất hiện riêng biệt thay vì toàn ngành như giai đoạn trước.

Trong nửa đầu năm 2018 và các năm về trước, ngành thép được hưởng lợi khá rõ nét từ việc thị trường bất động sản hồi phục trở lại sau cuộc khủng hoảng, cũng như chu kỳ đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng của chính phủ. Đồng thời, việc áp dụng thuế bảo hộ lên sản phẩm từ Trung Quốc cũng có tác động tương đối tích cực tới tình hình chung của toàn ngành.

Ngành thép Việt Nam thời gian qua đã đẩy mạnh gia tăng công suất nhằm tận dụng những lợi thế. Đơn cử năm 2018, chỉ tính riêng Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) sản xuất phôi thép đã đạt 2,665 triệu tấn; tiêu thụ 776.500 tấn, đạt 98% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng đạt trên 3,29 triệu tấn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thép /V/ tăng 12% so với cùng kỳ và hoàn thành 113% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc VNSTEEL - cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn khác như: Giá nguyên liệu thép cuộn cán nóng luôn duy trì ở mức cao và chỉ đến cuối năm mới suy yếu; trong nước, thị trường thép sau mạ và thép cuộn cán nguội tăng về sản lượng do tình trạng cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu sụt giảm về cuối năm; các nhà sản xuất tôn mạ do chịu áp lực bán hàng giành thị trường nên đua nhau giảm giá, đặc biệt một số nhà sản xuất khó khăn về tài chính nên bán hàng bằng mọi giá, khiến giá bán liên tục giảm, kéo theo lợi nhuận giảm. Nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2019 sẽ là năm có tác động khá lớn tới ngành thép khi đang có dấu hiệu giảm tốc sau quãng thời gian tăng trưởng.

Theo số liệu thống kê của Fiinpro (một trong những đơn vị cơ sở dữ liệu tài chính) cho thấy, sản lượng thép Việt Nam tăng trưởng khá ấn tượng trong 10 tháng đầu năm 2018 với sản lượng tiêu thụ đạt 14,2 triệu tấn thép các loại, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng sản lượng thép tiêu thụ tăng mạnh chủ yếu nhờ vào nhà máy Formosa đi vào hoạt động và đóng góp sản phẩm tiêu thụ từ tháng 9/2017, nếu không tính sản lượng của nhà máy thép này, tính chung sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam chỉ tăng nhẹ ở mức 7,7%.

Đối với nhóm ngành thép tôn mạ mà Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam… đang theo đuổi, thị trường sẽ phát triển kém tích cực do giá nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh và hoạt động mở rộng công suất sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao gây rủi ro tới khả năng hoạt động trong bối cảnh ngành tôn mạ đang chịu áp lực đầu vào.

Đối với nhóm ngành thép dài (thép ống, thép xây dựng), mặc dù không chắc giảm sút, tuy nhiên sẽ khó tích cực như giai đoạn trước đây khi ngành xây dựng tăng trưởng chậm lại do tác động từ ngành bất động sản.

Ngoài ra, việc các quốc gia khác liên tục mở các cuộc điều tra và áp thuế lên sản phẩm thép Việt Nam làm cho triển vọng xuất khẩu kém tích cực hơn, mặc dù đây là hướng đi khá tiềm năng đối với các DN sản xuất thép của Việt Nam. Mặt khác, giá thép thế giới giảm mạnh có thể sẽ khiến ngành thép đối diện với nhiều khó khăn do gia tăng áp lực cạnh tranh nội địa, cũng như giảm bớt triển vọng ở mảng xuất khẩu.

(congthuong.vn)

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.