Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), đánh giá cao Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với khả năng sản xuất tốt và tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng có những lo ngại nhất định.
Ngày 17/01/2018, BSR sẽ thực hiện IPO. Chào bán cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn là sự kiện mở màn cho việc cổ phần hóa một loạt doanh nghiệp Nhà nước lớn trong năm 2018. Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị duy nhất vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam.
Thị phần lớn và còn nhiều dư địa phát triển
Tỉ lệ xăng dầu mà BSR cung cấp ra thị trường hiện khoảng 28% - 30%. Với các sản phẩm chính như xăng, dầu Diesel D.O hay LPG, thị phần nội địa của BSR đạt trên 30%. Thị phần của công ty đối với các sản phẩm tiềm năng khác còn khá nhó, khoảng 10%, đây là cơ hội để BSR tiếp tục mở rộng thị phần. Việc bán hàng được triển khai thông qua 27 đại lý, trong đó có các đại lý lớn như Petrolimex, PV Oil hay Saigon Petro.
Thị trường xăng dầu trong nước còn nhiều dự địa để phát triển, tạo cơ hội cho các công ty lọc hóa dầu trong tương lai. Dự báo đến năm 2035, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu do sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được 60% - 70% nhu cầu trong nước.
Báo cáo của Mackenzie cho thấy nhu cầu xăng dầu của nước ta sẽ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2015 - 2025 và 3,7%/năm trong 2025 - 2035. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng 1,5% của thế giới năm 2016. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng.
Tình hình tài chính lành mạnh
Tương tự các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới và do sản lượng đầu ra tương đối ổn định (6,6 - 6,8 triệu tấn/năm), doanh thu của BSR biến động tương đồng với giá dầu thô trên thế giới.
Doanh thu thuần cả năm 2016 của Bình Sơn đạt 73.598 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9 năm 2017 (9T2017), doanh thu thuần của công ty đạt 54.387 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc điểm của ngành lọc hóa dầu nên chỉ tiêu doanh thu không phản ánh đúng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận là 5.430 tỷ đồng, tăng 4,84 lần so với cùng kỳ năm 2016. Biên lợi nhuận ròng xấp xỉ 10%. Năm 2014, giá dầu giảm nhanh và liên tục từ 100 USD/thúng vào cuối tháng 9/2014 xuống còn 57 USD/thúng vào cuối năm 2014. Hơn nữa, thời điểm đó Bình Sơn cũng tiến hành sửa chữa nhà máy nên lợi nhuận sau thuế giảm sâu.
Từ 2015 đến nay, giá dầu biến động trong biên độ ổn định hơn, kết quả kinh doanh phụ thuộc vào crack spreads (khoảng cách chênh lệch giữa giá các sản phẩm chính bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào). Năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 6.099 tỷ đồng. Con số này vào năm 2016 là 4.436 tỷ đồng do crack spread giảm và ảnh hưởng từ cơ chế thu điều tiết. Bước sang năm 2017, với việc bãi bỏ cơ chế thu điều tiết và crack spread tăng lên, lợi nhuận sau thuế đã tăng gấp 4,84 lần so với cùng kỳ năm trước đó.
Các chỉ tiêu sinh lợi của BSR tương đối khả quan. Tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) luôn đạt mức cao trong giai đoạn 2013 - 2017. Cụ thể, chỉ tiêu này tăng từ 11,1% vào năm 2013 len 15,2% năm 2017. Tỷ lệ lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) hiện đạt 8,99%.
Bên cạnh đó, từ năm 2012 - 2017, tỷ lệ vay nợ của BSR giảm dần, từ 2,56 (2012) xuống còn 0,69 (9T2017). Tỉ trọng của nợ dài hạn trên tổng tài sản giảm từ 33% (2012) xuống mức 24% (9T2017), thời gian tới nợ dài hạn có thể tăng do công ty nâng cấp nhà máy. Các chỉ số thanh khoản tốt như chỉ số thanh toán hiện hành cao ở mức 2,5 và chỉ số thanh toán nhanh đạt 1,76.
Mở rộng công suất, cải thiện hiệu quả
BSR đang có kế hoạch nâng công suất lên 8,5 triệu tấn, chất lượng sản phẩm nâng từ Euro II lên Euro V. Bình Sơn cũng tiến hành đảm bảo an ninh đầu vào bằng cách tăng khả năng chế biến. Hiện nay Bình Sơn chủ yếu chế biến dầu ngọt nhẹ với 67 loại, công ty có kế hoạch nâng lên chế biến 300 loại bao gồm cả dầu chua. Dự án dự kiến triển khai từ 2018 – 2021 với tổng đầu tư là 1,8 tỷ USD, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/nợ là 30:70. Theo đó, Bình Sơn dự kiến sẽ cung cấp sản phẩm hiện chưa có trên thị trường Việt Nam như xăng A97, nhựa đường và nhiên liệu cho hàng không.
Nhiên liệu đầu vào dần được tối ưu hóa. Năm 2014, nhà máy sản xuất được 1 tấn sản phẩm thì phải sử dụng 1.092 tấn dầu thô. Đến nay, để sản xuất 1 tấn sản phẩm chỉ tiêu tốn 1.081 tấn dầu thô. Nhà máy hiện vận hành tại 109% công suất. Thời gian bảo dưỡng sửa chữa giảm từ 60 ngày xuống 51 ngày.
Bên cạnh đó, độ linh động lựa chọn dầu thô của Công ty sẽ được nâng cao, không còn phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Lượng dầu khai thác ở mỏ Bạch Hổ giảm từ 78% (2013) xuống còn 58% (9 tháng đầu năm 2017). Năm 2025, BSR dự tính khai thác ở mỏ Cá Voi Xanh, một mỏ khí thiên nhiên tiềm năng chỉ cách nhà máy khoảng 80km.
Lo ngại của nhà đầu tư
Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 9/2017, BSR có khoảng 2.741 tỷ đồng gửi tại Oceanbank, khoản tiền này đang tạm ngừng giao dịch. Ban lãnh đạo BSR cho biết công ty đã rút 700 tỷ và đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước cũng như Ban lãnh đạo Oceanbank. Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc chuyển đổi OceanBank chỉ là chuyển đổi về hình thức sở hữu, còn ngân hàng vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với người gửi tiền. Tuy nhiên, khi nào khoản tiền này được sử dụng trở lại vẫn là câu hỏi đối với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đầu tư của BSR vào Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung không hiệu quả. Tổng vốn đầu tư đến nay là 742 tỷ đồng, trong đó có 471 tỷ trích lập dự phòng. Nguyên nhân là nhà máy này liên tục thua lỗ kể từ khi đi vào hoạt động năm 2014, và dừng hoạt động, tổng lỗ lũy kế là 571 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại về việc cạnh tranh giữa Bình Sơn và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự kiến vận hành vào quý IV/2017, cung cấp khoảng 40% nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước. Các nhà đầu tư lo ngại Bình Sơn và Nghi Sơn giống câu chuyện cạnh tranh của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, hai công ty phân bón cùng được đầu tư bởi PVN.
(Tri Thức Trẻ)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.